Ngày xưa gia đình  tôi sống trong một thị trấn nhỏ, gia đình  tôi rất nghèo. Năm tôi lên 8 tuổi, gia đình tôi chuyển đến sống ở một buôn làng nhỏ, chỉ toàn người dân tộc Jarai sinh sống. Tôi nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới, hàng ngày tôi đi học và chơi với  các  bạn cùng trang lứa và nói được tiếng Jarai lưu loát lúc nào không hay.Tôi cứ thế lớn lên cùng với đám trẻ trong làng. Nhưng thời ấy  có một điều làm tôi băn khoăn mãi mà không tự lý giải được  đó là mọi người trong làng bị ốm đau  gì cũng mời thầy cúng mà không đến trạm xá hay đi bệnh viện khám bệnh.

Có một kỷ niệm buồn và đó cũng là con đường đưa tôi đến với nghề điều dưỡng hôm nay.

Ngày đó, tôi  nhớ có một lần, tôi cùng nhỏ bạn thân đi chăn bò và trèo lên cây ổi hái quả, không may bạn tôi bị ngã xuống đất, đùi của nó bị cành cây khô đâm vào chảy máu. Về nhà, 2 ngày sau nó bị sốt cao,  sau đó lưng nó bị đau và cong như cái đòn gánh. Ba mẹ nó mời thầy cúng, thầy cúng nói nó bị ma lai nhập, 2 ngày sau nó chết. Cái chết của bạn làm tôi ám ảnh và ray rứt cho đến lớn. Ngày ấy trong suy nghĩ non nớt của tôi  là bạn bị sốt, đau và lưng bị cong là do vết thương chứ không phải ma nhập gì cả. Tôi nghĩ, giá như bạn được bác sỹ khám và được uống thuốc  thì bạn đã không chết. Từ đó tôi luôn tự nhủ mình phải học để biết khám bệnh và chích thuốc để giúp đỡ dân làng, chứ cái gì cũng mời thầy cúng là không ổn chút nào.

Cuộc sống nghèo khó, bạn bè tôi lần lượt nghỉ học. Lớp tôi chỉ còn lại mỗi mình tôi theo học  cấp 3 và mỗi buổi đi học phải đạp xe 30 cây số vừa đi vừa về. Có lúc tôi cũng nản lòng, nhưng nhớ đến cô bạn đã mất tôi lại cố gắng. Học xong cấp 3, tôi đăng kí thi vào ngành  điều dưỡng của trường Trung cấp Y tế Gia Lai. Ra trường tôi xin vào Trung tâm Y tế huyện Ayun Pa làm việc và gắn bó với nghề cho đến nay. Trong quá trình công tác tôi luôn tâm niệm một điều: Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh và gia đình họ thì mình sẽ hiểu, sẽ thương và sẽ thông cảm cho họ nhiều hơn. Tôi phục vụ, chăm sóc người bệnh với tình yêu thương như đang chăm sóc chính cô bạn thân của tôi thuở nào. Tôi nói tiếng Jarai rất giỏi, nên khi giao tiếp với bệnh nhân người Jarai, tôi luôn dùng ngôn ngữ của họ để hiểu họ hơn và giúp họ cảm nhận được sự gần gũi, cảm thông, an tâm  và tin tưởng trong khi nằm điều trị bệnh và tôi còn tuyên truyền, phân tích cho họ hiểu khi có bệnh tật hoặc gặp sự cố về sức khỏe thì nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị  cho khỏi bệnh, chứ đừng nên phó thác hết tính mạng mình cho thầy cúng để rồi khi hiểu ra thì đã muộn . Kết quả tôi đạt được rất nhiều, đó là: tình yêu thương, sự tin tưởng của người bệnh và người nhà bệnh nhân giành cho mình. Mỗi khi rảnh rỗi về thăm làng cũ, dân làng đón tôi bằng tất cả tình yêu thương và lòng biết ơn. Tôi không có vật chất để giúp họ, nhưng tôi có sự chu đáo, chân thành từ tâm phục vụ khi họ ốm đau, bệnh tật. Lòng biết ơn mộc mạc của họ thể hiện qua nải chuối, bó rau hái từ rẫy họ dành tặng tôi như món quà tinh thần vô giá mà tôi nghĩ không phải ai cũng có được. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng tôi yêu sự chất phát của họ và tôi mạng ơn họ rất nhiều. Giá trị tinh thần chỉ giản đơn vậy thôi, nhưng mang lại cho tôi niềm hạnh phúc vô bờ. Niềm tin yêu của họ giúp tôi yêu nghề hơn rất nhiều.

Trong quá trình làm việc, tôi nghĩ chỉ riêng bản thân mình phục vụ bệnh nhân chu đáo thì chưa đủ, tôi chủ động tuyên truyền, động viên anh chị em trong khoa nâng cao tinh thần phục vụ, chăm sóc bênh nhân thật tốt, tôi nói mọi người hãy một lần thử  đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân  để  thấu hiểu và sẻ chia những đau đớn, những lo lắng mà  họ đang chịu đựng thì ta sẽ tận  tâm  hơn rất nhiều. Đặc biệt chúng tôi không bao giờ vòi vĩnh, nhận tiền và quà của người bệnh – Đó là điều cấm kỵ tuyệt đối  đối với chúng tôi.

Con đường để bước vào ngành Điều dưỡng của tôi là như vậy đó. Trong  công việc, trong cuộc sống  có những lúc suôn sẻ, có những giai đoạn khó khăn vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Vì tôi làm công việc này bằng tâm niệm khi tôi còn bé, vì cô bạn  thân bé nhỏ của tôi ngày xưa và vì niềm tin của người bệnh khi tôi phục vụ họ. Nghề điều dưỡng phục vụ bệnh nhân bằng cái tâm thiện, mỗi khi nhận được lời cảm ơn của bệnh nhân và người nhà của họ trong lòng vui  và hạnh phúc lắm, như những lúc có những cas  trở nặng hoặc tử vong thì tâm trạng rất nặng nề, đôi lúc phải quay đi để lau nước mắt.

Xin cám ơn đời, xin cám ơn người và xin cảm ơn tất cả bệnh nhân đã cho tôi niềm tin để yêu nghề, yêu người, yêu cuộc đời!

Người viết: Nguyễn Thị Khánh Vân
Đơn vị: Trung Tâm Y tế Thị xã Ayun Pa